Lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc


          Lịch Việt Nam và Trung Quốc tuy được tính toán dựa trên cùng một quy tắc, nhưng sự khác biệt về múi giờ đã làm cho lịch hai nước có nhiều chỗ khác nhau. Việc một số nhà xuất bản dịch thẳng từ tiếng Trung Quốc đã gây ra những sai sót đáng tiếc.

s

Một bộ sách Lịch vạn niên. Ảnh: songhuong.com

         Gần đây có những thông tin về việc các số liệu lịch lệch nhau, vậy nguyên nhân thực ở đâu? Theo ông Trần Tiến Bình, Ban lịch Nhà nước, những số liệu sai lệch trên đều trực tiếp hay gián tiếp có xuất xứ từ các sách lịch vạn niênđang có mặt rất nhiều trên thị trường, như Lịch vạn niên thực dụng, Lịch vạn niên dịch học phổ thông, Lịch và lịch vạn niên... Những cuốn lịch vạn niên trên đều là các sách in số liệu dịch từ lịch Trung Quốc và trong khi quảng bá cho các sách này thì các cơ quan chức năng đã không thông tin đầy đủ để người đọc biết rằng lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc! Không chỉ đến năm 2006 này mới nảy sinh sự khác biệt giữa hai lịch mà điều này luôn xảy ra hầu như ở mọi năm. Do vậy chẳng có gì bất thường trong năm nay cũng như trước đây hay sau này chừng nào mà người tiêu dùng còn sử dụng các cuốn lịch vạn niên.
         Lịch Việt Nam khác lịch Trung Quốc
         Lịch Âm dương Việt Nam (thường gọi là Âm lịch) được xây dựng trên cơ sở các quyết định của Chính phủ về múi giờ và âm lịch sử dụng ở Việt Nam. Tuy lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc được tính toán dựa trên cùng một quy tắc nhưng sự khác biệt về mùi giờ (giờ chính thức của Trung Quốc là múi giờ 8, trước Việt Nam 1 giờ) đã làm cho lịch hai nước nhiều chỗ khác nhau về ngày tháng, tiết khí, tết Nguyên Đán...
Chẳng hạn lịch hai nước đều lấy ngày Không trăng (ngày Sóc) làm ngày đầu tháng (mồng 1 âm), như ngày Không trăng gần đây xảy ra lúc 23 giờ 05' (giờ Việt Nam) ngày 25/6/2006, do vậy lịch ở Việt Nam ngày 25/6/2006 là ngày 1/6 Bính Tuất. Tuy nhiên theo giờ Bắc Kinh thời điểm này đã là 0 giờ 05' ngày 26/6/2006 và ngày 26/6/2006 mới là ngày 1 tháng 6 Bính Tuất theo lịch Trung Quốc.
         Ngày đầu tiên khác nhau sẽ kéo theo sự chênh lệch cả tháng giữa hai lịch. Do tháng nhuận được tính dựa trên sự so sánh giữa các thời điểm Sóc và thời điểm chuyển tiết nên khi hai thời điểm này lệch nhau sẽ dẫn tới có lúc tháng nhuận giữa hai lịch khác nhau, như năm 1984 lịch Việt Nam không có tháng nhuận nhưng lịch Trung Quốc lại nhuận tháng 10.
         Muốn tính Âm lịch phải lập trình dựa trên các mô hình thiên văn phức tạp chứ không phải dễ dàng nhẩm ra như Dương lịch hay một vài loại lịch khác. Do vậy các nhà xuất bản đã chọn biện pháp đơn giản là dịch thẳng từ lịch Trung Quốc và điều này là trái với các quyết định, thông tư của Chính phủ, gây nhầm lẫn cho người dân.
         Cổ học phương Đông bị ảnh hưởng?
         Những môn cổ học dựa trên giờ, ngày, tháng Âm lịch tất nhiên sẽ cho kết quả khác nhau khi sử dụng Âm lịch khác nhau, chẳng hạn lá số tử vi được lập hoàn toàn dựa trên ngày tháng và giờ sinh Âm lịch. Ngay những tham số tính toán dựa trên các dữ liệu can chi vốn trùng với Dương lịch (tức là giống với lịch Trung Quốc) vẫn cần lưu tâm đến các thành phần Âm lịch đi kèm có thể khác nhau, chẳng hạn sao Thiên Đức chiếu vào ngày Tị của tháng Giêng hay giờ Hoàng đạo rơi vào giờ Thìn ngày Dần.... Ngày Tị và ngày Dần trùng nhau giữa hai lịch nhưng tháng Giêng và giờ Thìn có thể khác biệt!
         Để tránh sai sót, tốt nhất người Việt Nam hãy dùng lịch Việt Nam. Ông Bình giới thiệu các cuốn sách in lịch Việt Nam sau đây:
- Lịch Việt Nam 1901-1910 của Nguyễn Mậu Tùng:
- Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỷ 0001-2010 của Lê Thành Lân;
- Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2010) của Trần Tiến Bình.  
         Đối với các độc giả đã trót mua lịch vạn niên thì cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2010) cung cấp cho độc giả chi tiết những ngày chuyển tiết, tháng nhuận, tết Nguyên Đán và các khoảng thời gian khác nhau giữa hai lịch. Chẳng hạn trong năm nay, lịch hai nước khác nhau từ ngày 25/6 đến 24/7 Dương lịch, năm 2007 khác nhau từ ngày 17/2 đến 18/3 Dương lịch, năm 2008 từ ngày 27/11 đến 26/12 Dương lịch.
         Sách cũng cho biết năm 2007 mồng một Tết Đinh Hợi ở Việt Nam rơi vào 17/2, đến trước Trung Quốc một ngày.

(Theo Khoa học và Đời sống)

 

Trả lời chung cho quý khách hàng Hương Quê về sự khác biệt giữa lịch của Hương Quê và lịch của một số nhà in khác.

        Hồi cuối năm rồi chúng tôi cũng đã có thông báo giải thích cho tất cả khách hàng :

         Về Âm lịch thì phải nói là chúng ta nên tham khảo theo tài liệu lịch của Trung Hoa, nơi xuất phát ra ngành Thiên Văn học cổ xưa của phương Đông.
         Chúng tôi sau khi tìm hiểu, đối chiếu các nguồn lịch, các nhà xuất bản lịch ở Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Kuala Lumpur..., những nơi có các cộng đồng dùng Âm lịch rộng rãi, và đã quyết định soạn bộ lịch hàng năm theo đúng nguyên bản truyền thống, đang được phổ biến nhất.
         Do đó có thể nói là Lịch của nhà xuất bản Hương Quê có độ chính xác cao nhất, đúng đắn nhất, quý vị có thể an tâm khi dùng lịch của chúng tôi.


Lịch âm Việt Nam đang nhanh hơn Trung Quốc 1 ngày, vì sao như vậy?

         Theo Âm lịch, Việt Nam đang nhanh hơn 1 ngày so với Trung Quốc khiến nhiều người nghĩ rằng, Tết Nguyên đán 2019 ở Việt Nam sẽ đến sớm hơn so với Trung Quốc.
         Từ ngày 7/11 dương lịch, lịch âm của Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch nhau 1 ngày. Trong khi Việt Nam đã bước sang 1/10 âm lịch thì Trung Quốc mới là ngày 30/9.
         Nhiều người thắc mắc, vì sao lại có sự chênh lệch này và sự chênh lệch này có khiến Tết Nguyên đán 2019 ở Việt Nam đến sớm hơn so với Trung Quốc không?
Lịch âm Việt Nam đang nhanh hơn Trung Quốc 1 ngày, vì sao như vậy? - 1
Lịch âm Việt Nam đang nhanh hơn Trung Quốc 1 ngày


         Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Linh, Trung tâm Thông tin – Tư liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, việc tính lịch âm ở Việt Nam và Trung Quốc đều dựa theo chu kì của mặt trăng. Tuy nhiên, mỗi nước lại có một cách tính khác nhau.
         “Trung Quốc họ có cách tính âm lịch riêng nhưng đến nay rất ít người biết họ tính như thế nào. Còn lịch của Việt Nam được đánh giá là có số liệu khá trùng khớp với những chuyên gia nghiên cứu lịch của các nước trên thế giới như Mỹ, Pháp…”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, cách tính lịch âm của Việt Nam và Trung Quốc đều dựa vào chu kì của mặt trăng, khoảng 29,53 ngày sẽ lặp lại một chu kì. Ngày đầu tiên của tháng âm lịch mới gọi là ngày Sóc. Một khi đã xác định được thời điểm Sóc, ta sẽ xác định được ngày bắt đầu và kết thúc của tháng âm lịch .
         Ông Linh lấy ví dụ, thời điểm Sóc rơi vào khoảng 0h-24h thì với lịch Việt Nam đã là ngày đầu tháng. Với Trung Quốc, khi điểm Sóc rơi vào 23h-24h thì sẽ có sự khác nhau do múi giờ của quốc gia này hơn Việt Nam 1giờ (GMT +8). Lúc này ngày đầu tháng của lịch Việt Nam sẽ lệch với Trung Quốc.
         Cụ thể, thời điểm Sóc ngày 7/11 dương lịch tại Việt Nam rơi vào lúc 23h2p tức hôm ấy là 1/10 âm lịch. Thế nhưng với Trung Quốc, thời điểm Sóc ấy đã sang ngày mùng 8/11, thế nên ngày 1/10 âm lịch sẽ chậm hơn 1 ngày so với Việt Nam.
         Trả lời câu hỏi, việc âm lịch Việt Nam nhanh hơn 1 ngày thì liệu Tết Nguyên đán 2019 ở Việt Nam có đến trước Trung Quốc? Ông Linh cho hay, theo các số liệu máy tính phân tích, trong năm 2018, âm lịch Việt Nam có khác so với lịch Trung Quốc, rơi vào ngày 7/11 đến 6/12.
         Tuy nhiên, đến tháng Tết Nguyên đán 2019 thì âm lịch của 2 nước lại trùng khớp, do thời điểm Sóc trong ngày của tháng đó cùng nằm trong một ngày. Vì vậy, Việt Nam sẽ không đón Tết trước Trung Quốc.
         Ông Linh cũng cho rằng, việc lệch ngày giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không theo một chu kỳ nào. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm Sóc và cách tính lịch của 2 nước.

 

Vì sao lại có sự chênh lệch này?

         - Nguyên nhân dẫn tới sự sai khác này bắt nguồn từ việc VN tính giờ bằng cách lấy giờ quốc tế + 7, còn TQ tính giờ bằng cách lấy giờ quốc tế + 8, từ đó dẫn tới sự chênh lệch khi tính giờ xác định lịch âm.
         Trong lịch âm, ngày đầu tháng là ngày không trăng (gọi là ngày sóc). Ngày sóc tháng sáu âm lịch theo giờ quốc tế bắt đầu từ 16g06 phút ngày 25-6 dương lịch. Muốn tính ra giờ VN thì phải cộng thêm bảy tiếng nên ngày sóc tháng sáu âm lịch theo giờ VN bắt đầu từ 23g06 phút, vẫn nằm trong ngày 25-6 dương lịch.
         Do đó, lịch VN ghi ngày 1-6 âm lịch ứng với ngày 25-6 dương lịch, tức là tháng năm âm lịch chỉ có ngày 29, không có ngày 30.
         Trong khi đó TQ lấy giờ quốc tế cộng thêm tám tiếng nên ngày sóc tính theo giờ TQ sẽ bắt đầu từ 0g06 phút ngày hôm sau. Vì vậy, ngày 1-6 âm lịch của TQ không phải là ngày 25-6 mà đã chuyển sang ngày 26-6.
         Sự sai lệch ngày âm lịch trong tháng giêng âm lịch năm sau cũng tương tự như vậy. Giờ sóc của tháng giêng năm sau theo giờ quốc tế là 16g15, cộng thêm bảy tiếng thì giờ VN là 23g15, vẫn là ngày 17-2 dương lịch nên mồng 1 tết sẽ trùng với ngày 17-2, còn TQ cộng thêm tám tiếng là 0g15 nên mồng 1 tết sẽ trùng với ngày 18-2.
         Tuy nhiên, sang các tháng bảy âm lịch năm nay và tháng hai âm lịch năm sau thì ngày sóc theo giờ quốc tế tính ra giờ VN và giờ TQ đều vẫn nằm trong cùng một ngày dương lịch nên các tháng sáu âm lịch năm nay và tháng giêng âm lịch năm sau của VN sẽ có 30 ngày, của TQ chỉ có 29 ngày. Vì vậy, tháng bảy và tháng hai âm lịch sẽ không xảy ra sự chênh lệch.
* Sự chênh lệch giữa lịch âm của VN và TQ bao lâu sẽ lặp lại?
         - Theo tính toán của chúng tôi, chu kỳ sai lệch trong tháng giêng âm lịch giữa lịch hai nước là 23 năm. Ví dụ năm 2007 xuất hiện sự sai lệch lịch âm trong tháng giêng. 23 năm sau, năm 2030 tiếp tục sai lệch và 23 năm tiếp theo, năm 2053 lại có sự sai lệch. Sau thời điểm này thì sự sai lệch không theo chu kỳ.
http://www.khoahoc.tv/photos/Image/2006/07/16/lich.jpg
* Sự chênh lệch này có ảnh hưởng tới các hoạt động tín ngưỡng của người dân hay không, thưa ông?
         - Hiện nay trong nhân dân có thể có hai loại lịch đang được sử dụng. 15 triệu lịch bloc in trong năm nay đều lấy số liệu lịch tại Ban lịch nhà nước nên lịch âm là lịch VN. Lịch điện tử của TQ sản xuất hay một số lịch in theo mẫu của TQ sẽ có lịch âm theo lịch TQ.
         Tuy ngày âm trong hai lịch khác nhau nhưng ngày người dân thường xem đối với các hoạt động có tính chất tín ngưỡng gọi là ngày can chi. Mà ngày can chi trùng với ngày dương lịch, tức là ngày can chi của VN và TQ đều trùng nhau, không có sự sai lệch nên không ảnh hưởng.
         Ví dụ ngày 25-6 dương lịch vừa qua là ngày 1-6 âm lịch của VN và là ngày 30-5 âm lịch của TQ nhưng đều là ngày Ất Dậu.
* Thưa ông, hiện nay những vấn đề nào đang đặt ra đối với lịch VN và thế giới?
         - Hiện nay các nhà nghiên cứu lịch tại VN cũng như thế giới đều tính toán các phương án nhằm cải tiến việc thiếu ngày trong tháng hai dương lịch. Như ta đã biết tháng hai thường có 28 ngày, tháng hai nhuận có 29 ngày, trong khi các tháng khác 30, 31 ngày.
         Sự khác biệt này gây ra những phiền toái nhất định. Ví dụ một người sinh vào ngày 29-2 thì ba năm sau không có ngày sinh nhật vì các năm đó tháng hai chỉ có 28 ngày. Thế nên có những người sinh vào 29-2 thì khoảng 3/4 cuộc đời không có ngày sinh nhật. Vì thế, các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã đưa ra hàng trăm phương án cải cách lịch mới sao cho khoa học, đơn giản và dễ hiểu nhất với mọi người.

KHIẾT HƯNG thực hiện;

HUONG QUE INC.

830 Jury Ct. #3, San Jose, CA 95112, USA

Tel: (650) 518-1188 * Fax: (408) 606-8058

Email: HuongQueUSA@gmail.com

Web sites: www.lichhuongque.com